Giấy tờ thất lạc, phòng chính sách xã hội giục ông làm lại để hưởng chế độ nhưng ông lắc đầu bảo: “Còn khỏe mạnh còn lao động kiếm cơm được là đã may mắn hơn bao nhiêu người khác”. Ông sống một mình ăn tiêu là bao. Gạo đong một lần ăn cả mùa. Quần áo thì bao nhiêu năm nắng mưa sờn rách, ông bảo: “Kệ. Mặc thế cho mát. Áo mới vải cứng còng mặc vào ngứa ngáy khắp người, thêm bực”. Chỉ có rượu là tốn dù người ta không mấy khi thấy ông say. Nhiều hôm ông uống rượu chay, mồi nhắm có khi là ký ức. Tụi nhỏ hay chạy chơi hái quả trong vườn kể lại với người lớn rằng chúng từng nhìn thấy ông dùng tay trái rót rượu mời tay phải.
- Tụi bay nói nhảm. Tay phải của ông Hạnh bị bom cưa cụt rồi còn đâu mà nâng ly rượu?
- Thì bọn con thấy ông rót rượu lên tay áo trống không. Tay ướt đầm đìa rượu. Rượu chảy xuống nền xi măng tong tỏng từng giọt một. Ông nói “uống đi”.
Minh họa: Bích Ngọc
Nhưng vẫn không ai tin tụi nhỏ. Ông già này hay lắm, lạc quan và hầu như không mấy khi buồn. Mờ sáng đã thấy bóng ông ngoài trại vịt cúi gập người nhặt trứng. Mấy trăm vịt đẻ nhưng giá trứng thấp quá nên lãi chẳng được là bao. Ông thả thêm cá giống, trồng mấy sào rau thơm bán cho các nhà hàng trên thị xã. Lúc nào cũng thấy ông lúi húi ngoài vườn chỉ tiếng hát bay qua những vòm cây. Bọn nhóc trong xóm mê ông lắm. Mê tiếng hát đã đành, lại mê luôn cả tiếng cười hào sảng của ông. Mà ông thì cười suốt. Ngay cả khi làm việc cực nhọc, mồ hôi nhễ nhại khắp người, ông ngồi tựa lưng vào gốc cây cười xòa với lũ nhỏ sang vườn xin quả chín. Ông không lấy vợ ở vậy chăm mẹ già. Ngày mẹ già mất ông cũng cười “sinh lão bệnh tử. Đời người có ai tránh nổi quy luật ấy. Khóc mà chi…”. Rồi thì cả căn nhà chỉ có con chó Vện làm bạn với ông. Ông đi đâu nó cũng theo chân lẵng nhẵng. Ngay cả lúc ông ngồi uống rượu một mình nó cũng nằm gác mõm ngó từng động tác của người bạn già. Ông nhậu bằng chuối xanh chấm muối, khế chua, mấy lá đinh lăng, vài ngọn rau húng chó nên con Vện chẳng kiếm chác được gì. Thỉnh thoảng ông dứ chén rượu vào mũi nó hỏi “uống không con?” Có đêm người ta nhìn thấy ông ngồi với con Vện, ngắm trăng. Ông uống say cất tiếng hát lúc nửa đêm cũng chỉ có mình con Vện làm khán giả. Mấy lần ông ốm con Vện nằm dưới đầu giường thỉnh thoảng lại hực lên mấy tiếng. Ông coi Vện như con, ông ăn gì thì nó ăn thế. Mấy con tép đồng kho béo ngậy ông cũng sẻ nửa trộn với cơm gạo mới đẩy về phía Vện. Mùa nóng thì ôm nó vào nhà cùng nằm quạt. Mùa lạnh ông lấy áo mình lót ổ cho nó ở xó nhà. Bịn rịn nhau thế mà cuối cùng Vện cũng bỏ đi trong đợt dịch chó dại mấy năm trước. Nào ai biết được nó bỏ đi đâu, còn sống hay bị người ta đập chết. Mấy ngày rong xe khắp các ngõ ngách, lội hết đồng cạn đến đồng sâu thì ông thôi không tìm nữa. Người ta thấy ông vẫn cười nhưng nụ cười lạ lắm. Mắt ông như có nước, môi run run như kìm tiếng nức nở trong lòng.
Hồi ông còn trẻ tóc còn chưa nhiều sợi bạc gặp ai người ta cũng giục “lấy vợ đi”. Ông chỉ cười trừ để đấy. Lòng ông mắc cạn đâu đó trong lời hứa năm xưa. Người con gái ông thương hứa sẽ đợi ông trở về sau khi đất nước yên tiếng súng. Nhưng khi bị thương nằm ở chiến trường cũng là lúc ông nhận được tin người thương đi lấy chồng bỏ lại mẹ già và ba gian nhà lá. Lúc trở về sau cuộc chiến tranh ông có vài lần gặp lại người xưa. Mắt ông nhìn thẳng mà mắt người thương thì nhìn xuống. Ông biết một bên cánh tay áo buông thõng của mình đã khiến người xưa thấy xót xa thương cảm. Vài lần người xưa đòi ăn cỗ cưới. Vài lần ông nghe phong thanh chuyện người xưa sống không hạnh phúc. Vài lần đi lên thị trấn giao trứng ông gặp người xưa thấy mắt thâm quầng, người gầy dộc. Thương chứ sao không. Cánh tay áo bay phất phơ của ông có lẽ càng làm người xưa thấy bẽ bàng. Ông đã có lần muốn dang tay mà bao bọc chở che. Nhưng người xưa chỉ nhìn vào bên tay áo gió lùa. Phần phật. Mà xứ này thì không có gì nhiều như gió…
Bây giờ người xưa thành bà nội, bà ngoại lâu rồi. Ông đi qua nhà ngó thấy con đàn cháu đống. Người xưa giờ mấy cái răng hàm đã rụng, cười má hóp, những vết chân chim đậu đầy trên môi mắt. Hôm ông qua sông mua mấy trăm vịt giống thì tình cờ gặp lại người xưa qua sông lấy thuốc cho chồng. Mắt người xưa nặng trĩu âu lo, hai bàn tay vân vê quai nón. Sông không rộng nhưng nước chảy xiết nên phà phải xuôi theo dòng một đoạn dài mới rẽ sang sông. Phà chạy rì rì nặng nhọc chở trên mình biết bao nhiêu trăn trở. Ông đứng cạnh người xưa mà không biết nói gì, mắt đăm đăm nhìn sông. Một tay người xưa xách mấy thang thuốc bắc còn một tay giữ rịt chùm bóng bay xanh đỏ đang căng cựa gió sông để bay lên. Người xưa cười phân bua “mua về cho tụi nhỏ. Cháu nội cháu ngoại cả thảy bảy đứa. Mua cái gì cũng phải mua đều mua đủ”. Như biết mình vừa lỡ lời chạm phải nỗi đơn chiếc tuổi già của ông, người xưa thở dài hỏi “sao bao nhiêu năm ông không lấy vợ? Trẻ chẳng cần ai nhưng già thèm tiếng người quanh quẩn trong nhà”. Ông tính cười bảo “có ai mà lấy? Đến người từng thương mình, từng hứa sẽ đợi mình mà cuối cùng còn bỏ mặc mình nữa là…”. Nhưng thôi, mấy lời đó đâu phải để nói với nhau khi tuổi đã xế chiều.
Ông nhìn chùm bóng nhiều màu sắc bất giác mỉm cười. Gió sông lùa vào khoảng trống của những chiếc răng đã rụng. Người xưa bất chợt ngẩng lên, trong đôi mắt mờ đục ấy chỉ còn thấy vệt sóng dưới đáy sông lan theo đường chạy của phà. Ông già cười vì biết đón người xưa ở nhà là những đứa cháu đáng yêu. Chúng sẽ chạy lại ôm chân níu vạt áo của bà reo hò tíu tít bên những quả bóng bay. Bà già chỉ cần đứng đó ngó chúng cười cũng sẽ thấy mệt nhọc tiêu tan. Còn hơn ông trở về nhà mà không có ai đợi cửa. Chỉ thấy trên bàn thờ di ảnh mẹ và khói hương lạnh ngắt. Ba gian nhà trống trải đến mức nghe rõ tiếng mọt kêu. Thỉnh thoảng con mèo hàng xóm sẽ sang ăn vụng. Nó giật mình khi thấy ông về nhà nên vội vã chạy thoát thân chỉ còn lại dấu chân trên vung nồi, bàn bếp. Con Vện chết rồi ông không dám nuôi con chó khác. Sợ mình gắn bó với nó rồi đến một lúc nào đó nó lại bỏ ông đi. Có những hôm tiếng lá khua ngoài vườn cũng làm ông giật mình ngỡ ai đó ghé thăm mình. Một con đom đóm bay đêm ông tưởng như người mẹ già nơi chín suối tìm về vì không yên tâm khi bỏ lại đứa con đơn độc nơi trần thế.
Những đêm gió lùa ông thường không ngủ được. Cứ nghe tiếng đồng đội mình thủ thỉ bên tai. Những lúc im tiếng súng lính trẻ ngồi bên nhau hay tán phét. Mười đứa thì đến tám đứa mong sớm kết thúc chiến tranh để về lấy vợ. Cứ mỗi lần nói về phụ nữ là từng ấy anh lính bỗng sôi nổi hẳn lên:
- Tóc người yêu em mượt lắm. Mỗi lần chạm vào là mát lịm tận tim gan. Vườn nhà em có cây bưởi to lắm. Khi nào hết chiến tranh em sẽ về hái bồ kết cho người yêu em gội đầu. Hái hoa bưởi làm dầu cho người yêu em ủ tóc. Giá bây giờ được dụi vào tóc người yêu em hít một cái thật sâu thì đã đời lắm.
- Hôm nọ anh ngủ mơ thấy môi người yêu. Nhưng đúng lúc kề môi định hôn thì tỉnh giấc vì tiếng súng đâu đó vọng lại. Tiếc ngẩn ngơ mãi đấy.
- Em thì chỉ nhớ nhất tay người yêu. Mười ngón tay biết tỏa hương. Chạm vào đâu cũng thấy dịu dàng ấm áp.
- Thế đã được nàng chạm vào những đâu rồi? - Cả bọn bật cười nhao nhao hỏi.
- Thì mới kịp vào tay nhau thì đã phải ra chiến trường. Còn chạm vào những đâu nữa thì hết chiến tranh tính tiếp.
Cuối cùng chiến tranh cũng đã kết thúc nhưng những người đồng đội năm nào đã không ai được trở về vùi vào tóc người yêu, hôn môi người yêu dấu. Ông bị thương mất một cánh tay, đơn vị trả ông về hậu phương trước trận đánh cuối cùng. Nếu ông còn ở lại có lẽ cũng đã thành nắm đất giờ nuôi một bụi cây xanh ngắt nào đó trên mảnh đất anh hùng. Có đêm mơ thấy đồng đội về, chúng cười ha hả thi nhau hỏi ông: Thế đã biết thế nào là mùi đàn bà chưa? Chưa hả? Sao phí phạm tuổi xuân thế nhỉ, nhẽ ra ông phải sống cho cả phần của tụi này nữa chứ? Tụi này thèm tiếng đàn bà. Thèm mùi mồ hôi đàn bà... Không có tiếng cười nào vang lên. Tất cả đều cúi đầu yên lặng. Ông choàng tỉnh giấc nghe trong làng vang lên vài tiếng chó sủa đêm. Hương cau bay vào nhà ngan ngát. Cây cau ấy mẹ ông trồng để lấy quả đi hỏi vợ cho ông. Mẹ mất đi, cau còn đó. Năm nào cau cũng chín đỏ trên cây rồi khô rạc đi như tuổi trẻ của ông. Mẹ chồng của người xưa đã ngoài chín mươi. Nghe nói còn minh mẫn và thích ăn trầu cau lắm. Nên hôm gặp nhau trên bà ông có mời đến hái…
Mùa cau này là mùa cau thứ bao nhiêu ông không nhớ nữa…
Gửi phản hồi
In bài viết